Tin tức & Sự kiện

Hỗ trợ trực tuyến

  • Tư vấn web 1

    0968 160 406

  • Hotline

    0827 373839

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 5
  • Trong ngày: 13
  • Hôm qua: 572
  • Tổng truy cập: 432833

Mua sắm online: Coi chừng mua phải... vịt trời!

Thông thường, càng gần đến Tết Nguyên đán thì việc mua sắm lại càng nhộn nhịp. Và không chỉ ra chợ hoặc đến các cửa hàng, các trung tâm thương mại, người tiêu dùng còn có một chọn lựa khác: Đó là mua hàng qua mạng Internet - hay còn gọi là thương mại điện tử. Chỉ cần xem xét thứ mình muốn mua, giá cả, rồi với vài cú click chuột là có thể yên tâm chờ người đến giao tận nhà.

Mua sắm online: Coi chừng mua phải... vịt trời!

Ảnh minh họa.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị làm ăn uy tín, chất lượng, hàng hóa đảm bảo thì cũng không thiếu những nơi lợi dụng hình thức thương mại điện tử để lừa gạt người tiêu dùng!

1. Xế chiều ngày 21/1/2015, trên đường Hậu Giang, quận 6, TP HCM, khoảng hơn chục người xúm vào xem một cuộc đấu khẩu giữa một thanh niên khoảng 25 tuổi và một cô gái chừng 18 tuổi.

Mặt cô gái đỏ gay, trên tay cô cầm đôi giày "bốt can" hiệu Christian Louboutin còn mới tinh nhưng nhìn qua biết ngay là hàng nhái bởi lẽ các đường chỉ may rất xộc xệch, khoen xỏ dây có cái đã bị bung, đế cao su so le nhau, còn lớp vải lót bên trong thay vì bằng lụa thì nó là vải bố. Cô phân bua với một bà lớn tuổi đứng bên cạnh: "Cháu mua trên mạng. Họ quảng cáo là giày xịn, giá chính hãng 6 triệu đồng nhưng vì là hàng xách tay nên họ bán 1,5 triệu. Cháu đã chuyển tiền cho họ. Ai dè họ giao cái thứ… thổ tả này!".

Rồi cô quay sang anh thanh niên - là người giao hàng: "Tui không nhận vì không đúng với những gì mấy anh đã quảng cáo. Một là anh trả lại tiền. Hai là anh phải đổi cho tui. Không tui kêu công an". Anh thanh niên nhăn nhó: "Tôi chỉ là nhân viên giao hàng chứ đâu phải người bán".

Rồi anh ta móc điện thoại gọi cho ai đó, trình bày vụ việc đang xảy ra. Chẳng hiểu đầu bên kia nói gì đó mà anh ta vâng dạ liên tục, còn tay thì lật tờ phiếu giao hàng kẹp trong cuốn sổ. Giây lát, giống như người mắc bệnh nan y sắp chết vớ được "thần dược", từ vẻ thiểu não anh ta chuyển sang hùng hổ: "Nè! Tôi nói cho cô biết. Hàng tôi giao cho cô, cô chưa ký nhận mà cô đã tự ý xé hộp ra coi thì cô phải chịu trách nhiệm".

Cô gái sững người nhìn tờ hóa đơn. Ở chỗ dành cho người mua ký tên vẫn còn trắng bóc, cô ú ớ: "Ủa, tui trả tiền rồi thì tui có quyền coi hàng chứ". Anh thanh niên sừng sộ: "Theo nguyên tắc, người mua phải ký tên vào phiếu xác nhận là mình đã nhận được hàng rồi mới được mở ra coi. Khi đó, nếu không vừa ý thì có quyền khiếu nại. Đằng này chưa ký mà cô đã tháo tung ra rồi biểu tôi trả lại tiền. Cô kêu ai thì kêu đi, muốn kiện thì cứ kiện".

Biết là mình đã nắm dao đằng lưỡi vì nếu thưa kiện, món hàng chỉ 1,5 triệu đồng mà sẽ phải đi tới đi lui, chưa kể bên bán sẽ viện lý do "chưa ký tên mà đã khui hàng", hoặc cùng lắm thì "giao nhầm hàng thải loại", cô gái vung đôi giày lên, ném thẳng vào mặt chàng thanh niên kèm theo một câu chửi rất ư là… chợ búa. Nhanh như chớp, anh thanh niên né người qua một bên rồi "đề" máy xe, vọt thẳng. Một bà ve chai với đôi quang gánh vắt vẻo đi ngang thấy đôi giày nằm chỏng chơ trên lề đường, bà dừng lại rồi nhìn vào đám đông. Chẳng ai phản ứng gì, bà cúi xuống lượm đôi giày cho vào sọt rồi ung dung… đi tiếp!

Cô gái nói trên chỉ là một trong những nạn nhân của chiêu trò lừa đảo bán hàng qua mạng. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Vân phân tích: "Thông thường, khi nhận được món hàng mà mình đặt mua thì cái háo hức muốn xem, muốn được cầm nắm đã khiến nhiều người quên đi những thủ tục cần phải có. Theo họ, đã trả tiền rồi và hàng đã nhận được rồi là xong. Nếu không vừa ý thì họ mới tính đến chuyện đổi hoặc trả lại nhưng họ lại không nghĩ rằng những người bán hàng qua mạng với ý định lừa đảo thì mọi kịch bản đã được chuẩn bị lớp lang cả rồi".

2. Nếu như cái thuở đầu tiên, khi hình thức bán hàng qua mạng vừa xuất hiện thì mánh lới lừa đảo chỉ là yêu cầu người mua chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản người bán ở ngân hàng rồi sau đó người bán "lặn" luôn.

Một cán bộ thuộc Cơ quan Cảnh sát Điều tra các tội phạm công nghệ cao cho biết: "Khi mở tài khoản ở ngân hàng, bọn lừa đảo sử dụng giấy CMND của người khác mà chúng nhặt được hoặc lấy cắp được rồi thay ảnh mình. Nhiều đối tượng tóc dài nhưng khi chụp ảnh để thay ảnh, chúng hớt cao lên. Khi nạn nhân đã chuyển tiền vào tài khoản của chúng, chúng gọi đồng phạm đến rút ngay lập tức, và thường rút tại những trụ ATM ở ngoại thành, nơi không có bảo vệ thường xuyên kiểm tra. Khi rút tiền, chúng đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang, thậm chí đeo cả kính đen nên dù camera an ninh có ghi hình được, cũng khó nhận diện".

Điều đáng tiếc là các ngân hàng ở ta, khi người dân đến làm thẻ ATM thì không có camera ghi hình lại như các ngân hàng ở nước ngoài nên nếu phát hiện đối tượng có ảnh trong giấy CMND, chúng sẽ khai là ngày đó tháng đó, chúng đem hồ sơ đi xin việc làm chẳng hạn, trong đó có mấy tấm ảnh cá nhân nhưng đã bị mất, còn ai nhặt được và làm gì thì chúng… không biết!

Khi hình thức này bị phát hiện, bọn lừa đảo chuyển sang một chiêu khác. Ấy là chúng vào những trang web chuyên về mua bán, chấp nhận trả phí để đăng quảng cáo những mặt hàng cần bán nhưng thay vì yêu cầu người mua chuyển 100% tiền cho chúng, thì chúng chỉ đề nghị nạn nhân chuyển 50% thôi, số còn lại khi nhận được hàng thì mới chuyển hết nhằm lấy lòng tin. Tuy nhiên, lúc đã nhận được 50% tiền, chúng lặn không sủi tăm.

Chị Luyến, nạn nhân của trò lừa đảo này kể lại: "Tôi vào trang web "mua…" thì thấy có nickname là "giarenhat" rao bán 1 máy chụp ảnh Canon 110HS còn mới 100% chỉ với 900.000 đồng vì không cần sử dụng, kèm theo số điện thoại 0122920042x. Gọi đến số này, người bán đề nghị tôi chuyển vào tài khoản của anh ta 450.000 đồng và cam kết chỉ một ngày sau sẽ có máy".

Chuyển tiền xong, chị đợi mãi, ngày qua ngày mà chiếc máy Canon vẫn biệt tăm hơi. Gọi cho số 0122920042x thì chỉ nghe tò te tí te. Nhờ Ban quản trị trang web "mua…" tìm giúp thì địa chỉ, số CMND mà nickname "giarenhat" dùng để đăng ký tài khoản bán hàng lại là một ông già 69 tuổi, ở mãi tận huyện… Cần Giờ! Ông cho biết năm ngoái, khi ông đi nuôi đứa con trai nằm điều trị tại Bệnh viện Bình Dân thì bị móc túi, mất cả CMND lẫn tiền, và ông đã làm lại cái khác.


Mua một đằng, nhận một nẻo.

Chiêu lừa "chuyển 50%" dần dà bại lộ nhưng ngay lập tức, nó biến tướng thành hình thức tinh vi hơn. Bác sĩ (BS) Chung, công tác tại một bệnh viện ở quận 5, TP HCM cho biết do không có thời gian, nên gần đến ngày sinh nhật của cô bạn gái, anh đã vào trang web của một shop nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 để đặt mua một chiếc váy với giá 6,5 triệu đồng. Anh kể: "Trước khi chuyển tiền, tôi đã cẩn thận gọi vào số điện thoại ghi trên trang web. Phía bên kia nói sau khi chuyển tiền xong, tôi nhắn tin cho họ biết để họ bảo nhân viên đóng gói hàng. Họ khẳng định sau khi ngân hàng báo "có" trong tài khoản của họ thì chậm nhất là 6 tiếng, nhân viên sẽ đưa hàng đến tận nhà tôi ở quận 11".

Chuyển tiền và nhắn tin báo đã chuyển xong, cũng như chị Luyến, cả buổi chiều rồi buổi tối, BS Chung ngồi chờ "nhân viên giao hàng" đến dài cổ. Gọi cho chủ nhân trang web thì chỉ là tò te tí te. BS Chung kể tiếp: "Sáng hôm sau, lúc tìm đến địa chỉ của shop, tôi ngã ngửa ra khi ông chủ shop cho biết ông đã nhận được 6,5 triệu là tiền mua váy nhưng chỉ 30 phút sau đó, có một cô đến xin nhận váy vì: "Tiện đường đi ngang đây nên ghé lấy luôn". Vẫn theo lời ông chủ shop, ông đã cẩn thận kiểm tra cô gái bằng cách hỏi tên người chuyển tiền thì cô ta nói trúng vanh vách, thậm chí còn nói cả tên ngân hàng và giờ giấc chuyển tiền.

Sôi máu, BS Chung đề nghị ông chủ shop cho mình xem trang web của shop ông. Trong trang web ấy, mọi hình thức giao diện đều y chang như trang web mà BS Chung đã mua phải con… vịt trời! Nếu có khác thì chỉ khác số điện thoại và địa chỉ email. Mở tiếp trang web đã lừa mình - may mắn thay nó vẫn còn đó - ông chủ shop chỉ cho BS Chung sự khác biệt: Đó là trang web của shop ông được lập ra từ bản quyền của một công ty truyền thông Việt Nam, còn trang web lừa thì bản quyền là của Công ty Ucoz nào đó.

Hóa ra để lừa đảo, các "chuyên gia lừa" đã tạo một trang web miễn phí từ một công ty truyền thông ở nước ngoài, mà những công ty loại này thì nhiều vô thiên lủng, chẳng hạn như Own Free Website, Zoho Website, Jimdo Website, Yola Website, Xwix Website, Ucoz…

Sau khi tạo xong, chúng copy toàn bộ nội dung trang web của một shop nào đó về trang web của mình, chỉ thay đổi số điện thoại, email. Lúc con mồi cắn câu, chuyển tiền và lúc chúng nhận được tin nhắn là tiền đã vào tài khoản thì lập tức chúng cho người đến shop - nơi khổ chủ đã đặt mua - để lấy hàng. Với chiêu này, kẻ lừa đảo có hàng, shop thật có tiền, chỉ khách mua là lĩnh đủ!

Quyết không chịu thua, BS Chung đến ngân hàng nơi kẻ lừa đảo đã mở tài khoản để hỏi thì mới hay chủ tài khoản là một người ở mãi ngoài… Quảng Trị! Nhìn thấy bản photo CMND lem nhem, mặt mũi không thấy rõ, BS Chung chỉ còn nước lắc đầu: "Tới chiều, tôi vào lại trang web, định sẽ giả danh một khách mua hàng để bẫy nó nhưng khi gõ tên tìm kiếm thì chỉ thấy trang web chính thức của shop, còn trang mạo danh đã bị xóa". Theo ông chủ shop, chiếc váy ấy nếu đem bán cho một shop khác, bèo nhất cũng được 4 triệu đồng!

3. Một hình thức lừa đảo khác trong kinh doanh điện tử là bán hàng quá hạn sử dụng. Trước đây, cộng đồng webtretho đã từng xôn xao vì vụ hàng loạt thành viên khiếu nại nickname "hutieuxao", "hutieumi", "jinnychedo" bán nước hoa, mỹ phẩm quá "date", chiếm đoạt hàng chục triệu đồng.

Chị Thuận, ở quận 5 cho biết lúc sắp sinh con thứ hai, chị vào một trang web chuyên về mua bán, thấy có người rao bán loại sữa hộp nổi tiếng của nước ngoài, do "đứa em là tiếp viên hàng không xách tay về (?!), số lượng có hạn", giá lại rẻ hơn thị trường 75.000 đồng/hộp. Chị nói: "Đọc những lời bình luận (comment) ở phía dưới, tôi thấy mọi người đều ca ngợi loại sữa này, thậm chí có người còn năn nỉ xin mua toàn bộ, kèm theo địa chỉ số nhà, email" Tuy nhiên, chị không hề biết những lời bình luận "có cánh" ấy là do chính bọn lừa đảo tạo ra.

Và thế là hí hửng đặt mua 20 hộp vì… sợ người ta mua hết, chị Thuận nhanh chóng chuyển vào tài khoản của người bán gần 7 triệu đồng. Cũng như những nạn nhân khác, con vịt trời sữa hộp chẳng bao giờ hạ cánh xuống sân nhà chị, chưa kể chị lại còn phải về nhà mẹ ruột, mượn đứa em 7 triệu đồng để bù vào số tiền đã mất vì nếu không, mai này sinh nở, chồng chị hỏi "tiền anh đưa em lo cho con, em để đâu" thì biết ăn làm sao, nói làm sao!

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, doanh thu thương mại điện tử năm 2015 tại Việt Nam ước tính sẽ lên tới con số 1,3 tỉ USD, và những vụ lừa đảo sẽ tăng theo nhưng bên cạnh đó, nó cũng thúc đẩy những website bán hàng qua mạng có biện pháp nhằm bảo vệ người mua cũng như giữ uy tín của mình.

Về phía người tiêu dùng, vì không thể nhìn tận mắt, sờ tận tay món hàng nên phải tự bảo vệ mình bằng cách nâng cao kiến thức thương mại điện tử. Trước khi click chuột để đặt mua một sản phẩm, nên tìm hiểu kỹ các chi tiết về website, hàng hóa, phương thức giao nhận, các điều khoản đồng thời tránh để lộ thông tin cá nhân cho những trang web mà mình chưa biết là có đáng tin hay không…

Theo một chuyên gia thương mại điện tử, cách tốt nhất là nên chọn những trang web có hình thức thanh toán COD - nghĩa là khách hàng chỉ trả tiền sau khi đã nhận và kiểm tra sản phẩm…

Theo Báo Công An Nhân Dân

Tin tức & Sự kiện khác

Hotline 24/7: 0968 16 04 06