Tin tức & Sự kiện

Hỗ trợ trực tuyến

  • Tư vấn web 1

    0968 160 406

  • Hotline

    0827 373839

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 5
  • Trong ngày: 884
  • Hôm qua: 1849
  • Tổng truy cập: 423762

“Don’t be evil”: Có nên xem Google là “ác quỷ”?

ICTnews – Với nhiều cuộc điều tra chống độc quyền, với một số lo ngại về quyền riêng tư, Google khiến nhiều người tin rằng họ đã đi ngược lại với triết lý “Don’t be evil” của mình. Sự thực như thế nào?

“Don’t be evil” (Đừng làm ác quỷ) là câu khẩu hiệu (slogan) gắn liền với Google. Nguồn gốc của câu nói này không rõ của Paul Buccheit tại một cuộc họp về giá trị doanh nghiệp đầu năm 2000 hay của kỹ sư Amit Patel năm 1999.  Trong khi các công ty khác thường có những bài viết dài hàng trang giấy về sứ mệnh của mình, Google chỉ tóm gọn trong ba chữ “Don’t be evil”. Theo Buccheit, tác giả Gmail, “Don’t be evil” khi ấy như một lưỡi dao đâm các doanh nghiệp khác, đặc biệt là đối thủ của Google, những người mà Google cho rằng đang lợi dụng người dùng.

Dù không xuất hiện trong triết lí doanh nghiệp của Google, “Don’t be evil” lại có mặt trong hồ sơ IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) năm 2004. Trong hồ sơ, Larry Page và Sergey Brin, hai nhà sáng lập công ty, khẳng định Google sẽ là “công ty làm những điều tốt đẹp cho thế giới ngay cả khi phải từ bỏ một số lợi ích ngắn hạn”. Tuy nhiên, cái gì là “điều tốt”, và “thế giới” bao gồm những ai là những khái niệm mơ hồ.

Trong cuộc phỏng vấn với NPR đầu năm 2013, Chủ tịch Eric Schmidt của Google giải thích về chính sách bằng ví dụ dễ hiểu: “Tôi đang ngồi trong cuộc họp, chúng tôi tranh luận về sản phẩm quảng cáo. Một trong các kỹ sư đập tay lên bàn và nói, đó là ác quỷ. Và sau đó, toàn bộ câu chuyện dừng lại rồi cuối cùng chúng tôi ngừng dự án”.

“Don’t be evil” rốt cục có ý nghĩa như thế nào? Đó chỉ là đòn PR hay một thứ Google thực sự theo đuổi? Nhiều người đang công tác trong ngành quảng cáo và cả những người dùng bình thường đều có thể đặt câu hỏi về cam kết của Google với khẩu hiệu nổi tiếng dựa trên các quyết định kinh doanh gần đây của hãng. Sau hơn một thập kỷ “lên sàn”, có lẽ đã đến lúc nhìn lại xem Google là “thiên thần” hay “ác quỷ”.

 

Vấn đề quyền riêng tư

Đối với Mỹ và các thị trường lớn, nguyên nhân gây lo ngại lớn nhất trong các hoạt động của Google chính là quyền riêng tư. Ví dụ điển hình nhất là việc Street View của Google thu thập dữ liệu từ mạng Wi-Fi cá nhân hay Gmail luôn hiển thị quảng cáo dựa theo nội dung email.

Động thái giảm dần ẩn danh trên mạng của Google cũng đáng ngại khi chúng ta bị buộc phải dùng tên thật trên Google+ hay YouTube. Dù Eric Schmidt hay nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg thích thú trước ý tưởng này, phần lớn người dùng web hàng ngày lại muốn “đeo mặt nạ” trên web. Suy cho cùng, ẩn danh trực tuyến còn có thể liên hệ đến sự sống/chết trong vài hoàn cảnh đặc biệt.

Chẳng hạn, công dân tại các nước có chế độ cai trị khắt khe muốn sử dụng công cụ liên lạc trực tuyến an toàn để tránh hậu quả về sau. Vài năm trước, Google quyết định rút lui khỏi Trung Quốc vì vấn đề quyền riêng tư và do chính phủ khăng khăng đòi Google trao cho dữ liệu người dùng. Quyền tự do ngôn luận và khả năng theo dõi hội thoại trên mạng của Google thậm chí còn làm dấy lên nhiều lí thuyết về mối liên hệ giữa CIA và Google.

Trò chơi SEO, SERP và quảng cáo

Trên mặt trận SEO (tối ưu hóa tìm kiếm) của Google, sự thay đổi thường xuyên, không công bằng diễn ra như cơm bữa. Bản cập nhật Panda & Penguin là những ví dụ tiêu biểu về thuật toán xếp hạng có thể làm hại đến các công ty nhỏ như thế nào. Bản cập nhật dường như “đóng sầm” cửa trước một số trang còn đa số đều sống tốt. Quan trọng hơn, những trang “bé cổ thấp họng” thường không thể phục hồi trước đòn tấn công này. Họ chính là những đối tượng xem “Don’t be evil” chỉ là trò bịp vì luật lệ hay thay đổi và gây rắc rối.

Nói về quảng cáo, Google cũng khiến người dùng và đối tác nổi giận. Các nhà quảng cáo không thể thiếu đối với doanh thu của Google vì họ chịu trách nhiệm phần lớn lợi nhuận công ty. Thay đổi bộ mặt của SERP (trang kết quả tìm kiếm) để đưa vào nhiều kết quả tìm kiếm trả tiền hơn trên Google Shopping là hành vi bất công nổi tiếng. Nó khiến những người có ngân sách hạn hẹp khó lòng cạnh tranh được với “đại gia”.

Chiến tranh PR và liên minh đen tối

Hai đối thủ chính của Google là Microsoft và Apple dùng nhiều cách để khắc họa Google như công ty “hai mặt”. Microsoft hài lòng khi chứng kiến Google đối mặt với nhiều cáo buộc phản cạnh tranh mà chính hãng từng gặp phải những năm 1990. Mặt khác, Apple rõ ràng là “kình địch” của Google trong mảng dịch vụ và phần cứng di động. Thời Steve Jobs còn sống, vị Tổng Giám đốc Apple công khai gọi “Don’t be evil” là “nhảm nhí”.

Ngay cả đối tác trong hệ sinh thái Android cũng tỏ ra lo âu trước hành động của Google. Một trong các lời buộc tội nặng nề nhất chống lại Google và Liên minh thiết bị nguồn mở đến từ Giám đốc Công nghệ Alibaba, Wang Jian, người tố cáo Google ngăn cản cạnh tranh di động. Những người mới bước chân vào thị trường di động và web bắt đầu đặt câu hỏi về cam kết đối với thị trường tự do, không giới hạn của Google, nơi sáng tạo được đặt lên hàng đầu. Họ có quan điểm của mình dù thế giới quyền sở hữu trí tuệ và những trận chiến bản quyền mới là nguyên nhân chính.

Bằng sáng chế, bản quyền và cuộc điều tra của FTC

Một nguyên nhân khác khiến mọi người tin rằng Google đang đi ngược lại khẩu hiệu của mình là cuộc điều tra kéo dài 2 năm của Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ. Dù kết luận Google gần như “trắng án”, công ty vẫn đồng ý cấp phép sử dụng cho cái gọi là bằn sáng chế “tiêu chuẩn cần thiết” cho các hãng đối thủ theo quy tắc FRAND (công bằng, chống phân biệt đối xử). Ít nhiều, danh tiếng Google cũng bị ảnh hưởng từ cuộc điều tra này.

Trong khi đó, đối với người dùng thông thường, cuộc chiến pháp lý quan trọng nhất lại liên quan đến Android và iOS. Apple từ chối tấn công trực diện Google mà theo đuổi các đối tác quan trọng như Samsung vì sao chép nhiều yếu tố trong hệ điều hành và phần cứng của mình. Vấn đề ở đây là Apple và Google đều chi nhiều hơn để mua về tài sản sở hữu trí tuệ hơn là R&D. Nó không tốt cho công ty, và càng tệ cho người dùng cuối.

Nói về quyền tài sản trí tuệ, Google Books và Google Video cũng làm dấy lên nhiều vấn đề. Dù Google tranh luận các dự án này chỉ nhằm cung cấp thông tin miễn phí, nhiều nhà xuất bản và tác giả khẳng định họ bị vi phạm quyền sở hữu.

Google có phải “ác quỷ”?

Những người tố cáo Google vi phạm chính nguyên tắc “Don’t be evil” của mình có lẽ xem kiếm ra tiền là một thứ tồi tệ. Tệ nhất, họ tố cáo Google sử dụng thị phần tìm kiếm web khổng lồ và tài khoản ngân hàng để thay đổi hoàn toàn sân chơi theo ý mình. Dù vậy, ít người nhận ra Google đang làm những thứ mà bất kỳ công ty nào cũng phải làm khi ở vị trí đó.

Chẳng hạn, Apple lợi dụng sự phức tạp trong hệ thống luật pháp quốc tế để đưa càng nhiều tiền càng tốt về lại công ty và trả một khoản “tươm tất” cho cổ đông. Các ban nhạc nổi tiếng như U2, Rolling Stones làm điều tương tự nhưng ít bị truyền thông để mắt tới.

Google là "thiên thần" hay "ác quỷ"?

Thiện ác song hành

Trong thế giới thực, Google không khác gì một con người bình thường. Nó buộc phải đạt được kết quả tốt nhất cho bản thân và những người khác. Rất dễ để quy kết Google vì một số quyết định của nó nhưng đưa ra giải pháp thay thế còn khó hơn. Ít ra, Google còn xếp hạng thấp hơn trong nấc thang “quỷ dữ” so với những doanh nghiệp như BP, Union Carbide, Monsanto. Họ cam kết sử dụng năng lượng xanh, họ không đổ cả tấn dầu xuống đại dương, họ cũng không làm ô nhiễm cả một thành phố.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần cân đo sai lầm của Google với đóng góp thực tế của nó trong nhiều lĩnh vực. Từ Google Glass đến xe hơi tự lái, Google mở rộng ra ngoài biên giới tìm kiếm Internet và khai thác năng lực tối đa để làm lợi cho công ty nói riêng và con người nói chung. Họ còn bước vào lĩnh vực công nghệ sinh học thông qua 23andme, một doanh nghiệp DNA có thể nâng cao chất lượng đời sống và sức khỏe cho hàng tỉ người trên thế giới. Cuối cùng, họ cung cấp tìm kiếm web miễn phí cho mọi người.

Nhìn từ bên ngoài, đánh giá một doanh nghiệp có vẻ dễ dàng. Song, xây dựng một công ty từ con số 0, góp phần thay đổi cách nhìn thế giới và tương tác giữa người với người trong chưa đầy một thập kỷ còn khó hơn. Lần chỉ trích Google sắp tới, hãy giành thời gian ghi nhớ công ty đó đã cống hiến bao nhiêu cho cuộc sống của bạn. Nếu không thích, hãy chuyển sang Bing hoặc Apple Maps.

Bất kỳ công ty nào cũng phải đưa ra lựa chọn được – mất. Chủ nghĩa lý tưởng là thứ chúng ta nên duy trì trong bất cứ tình huống nào, song chủ nghĩa thực dụng mới là thứ trả hóa đơn và giữ cho bánh xe tăng trưởng tiếp tục lăn. Google chạm tới đỉnh cao công nghệ bằng cách duy trì sự sáng tạo và đánh bại đối thủ về giá cũng như chất lượng dịch vụ. Nó không hoàn hảo song khó có thể là “quỷ dữ” như một vài người vẫn tin tưởng.

Du Lam (Tổng hợp) Theo http://ictnews.vn

Tin tức & Sự kiện khác

Hotline 24/7: 0968 16 04 06