Mua sắm qua mạng đã, đang và sẽ trở thành một xu hướng tất yếu, nhất là với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và thiết bị di động như hiện nay. Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia kỳ vọng trong những năm tới, thị trường hàng hóa online sẽ phát triển và trở thành một đối thủ đáng gờm của các loại hình thanh toán truyền thống. Điều này lại càng có khả năng khi mà Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại và kinh tế mang tính chất toàn cầu như TPP, FTA (Hiệp định Thương mại Tự do) với nhiều quốc gia và mới đây nhất là việc hình thành cộng đồng ASEAN. 

Tuy nhiên, khảo sát cho thấy những lo ngại về việc hoàn trả hay đổi hàng (40,4%) và độ an toàn của giao dịch mua sắm (32,3%) tiếp tục là rào cản chính đối với việc mua sắm trực tuyến dù tất cả những yếu tố này đã giảm đáng kể so với năm trước.

Dưới đây là một số lời khuyên từ các chuyên gia an ninh mạng giúp bạn mua hay bán hàng trực tuyến một cách tuyệt đối an toàn:

Hãy cố gắng từ bỏ thói quen sử dụng Wi-Fi công cộng miễn phí. Đây sẽ là chiếc chìa khóa để giúp tội phạm mạng đột nhập và lấy cắp thông tin cá nhân của bạn. 

- Tốt nhất là bạn không nên nhấp chuột vào những email quảng cáo hay những mã giảm giá đồ được gửi qua email. Thay vào đó hãy truy cập trực tiếp vào website của doanh nghiệp mà bạn tin tưởng. Email dù nhìn chân thật đến mấy cũng có thể là một cái bẫy được các hacker dựng nên. 

- Nếu bạn cần phải tạo tài khoản với một website mua sắm trực tuyến nào đó, đừng dùng email hoặc mật khẩu mà bạn đã dùng ở những trang web khác. Lời khuyên này nghe có vẻ thật cũ và nhàm chán những nhiều vụ tấn công mạng đã xảy ra chỉ bởi vì người dùng tạo một mật khẩu cho nhiều trang web khác nhau và hacker đã đoán ra được điều này. Ngoài ra hãy cố gắng nghĩ ra một mật khẩu phức tạp và khó đoán cho các tài khoản online của bạn. 

Đừng dùng trình duyệt web, hãy dùng ứng dụng: Những ứng dụng di động (app), ví dụ của Amazon, thường được trang bị thêm những tính năng bảo mật và mã hóa so với trình duyệt web thông thường. Vì thế chúng an toàn hơn khi bạn sử dụng những đường truyền mạng công cộng. 

Đừng bao giờ tự động lưu thông tin thẻ ngân hàng của bạn trên những website mua sắm hoặc trên trình duyệt web. Chúng có thể bị lấy cắp bởi tội phạm mạng. 

- Khi mua sắm trên mạng, tốt nhất là bạn nên sử dụng thẻ tín dụng (credit) thay vì thẻ ghi nợ (debit). Nếu bạn gặp phải vấn đề gì trong quá trình giao dịch, thì việc liên hệ để giải quyết với công ty cung cấp thẻ tín dụng là đơn giản hơn việc liên hệ với ngân hàng của bạn. Và ít nhất thì việc sử dụng thẻ tín dụng sẽ không lấy tiền đi khỏi tài khoản ngân hàng của bạn.

Hãy chú ý đến những thông tin được ghi trên bản báo cáo tài chính (bank statement) mà ngân hàng gửi cho bạn về những chiếc thẻ của bạn. Nếu bạn phát hiện ra bất cứ giao dịch khả nghi nào, hãy lập tức liên hệ với ngân hàng để báo cáo điều này. 

- Hãy cân nhắc việc sử dụng Apple Pay và Android Pay: Không giống như những chiếc thẻ ngân hàng thông thường, những dịch vụ thanh toán như Apple Pay và Android Pay sẽ hoạt động hoàn toàn dựa trên điện thoại của bạn và vì thế tội phạm mạng sẽ không thể đánh cắp dữ liệu bằng cách truyền thống. Hãy cân nhắc việc sử dụng chúng. 

- Đừng bao giờ quên đặt mật khẩu hoặc mã dấu vân tay cho thiết bị của bạn! 

- Đừng bao giờ để ai nhìn bạn khi bạn đang điền thông tin thẻ ngân hàng trên Internet

- Luôn luôn giữ lại hóa đơn điện tử cho giao dịch của bạn, ví dụ bạn có thể chụp ảnh nó

- Bằng mọi giá không gửi thông tin tài khoản thẻ ngân hàng của bạn qua email hoặc điện thoại. Không có một doanh nghiệp chân chính nào sẽ email hoặc gọi điện cho bạn để hỏi xin thông tin thẻ ngân hàng, chỉ có những tên tội phạm mới làm thế! 

Theo http://laodong.com.vn/